Ý NGHĨA NHAN ĐỀ TRUYỆN NGẮN "RỪNG XÀ NU" 🌳

"Rừng xà nu là truyện của một đời, và được kể trong một đêm".
(Nguyên Ngọc, ‘Về truyện ngắn Rừng xà nu', Nhà văn nói về tác phẩm, Hà Minh Đức biên soạn, 
Nxb Giáo dục, 2000).

- Thưởng Thức Sách - 


Ý NGHĨA NHAN ĐỀ TRUYỆN NGẮN "RỪNG XÀ NU" 🌳


Ảnh sưu tầm - minh họa cho đẹp =))





🌳 Nghĩa thực : Đây là một loài cây có thật ở vùng đất Tây Nguyên. Theo tìm hiểu của mình thì cây xà nu mà tác giả nhắc đến trong truyện là cây THÔNG BA LÁ ít nhựa (các cậu search sẽ thấy nhiều ảnh hơn nhé, cây này cũng có nhiều ở Đà Lạt).
🌳 Nghĩa biểu tượng :
– Cây xà nu là một phần máu thịt trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân làng Xô Man: đó là “một loại cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch, mỗi cây cao vút, vạm vỡ, ứ nhựa, tán lá vừa thanh nhã vừa rắn rỏi mênh mông, tưởng như đã sống tự ngàn đời, còn sống đến ngàn đời sau, từng cây, hạng vạn, hàng triệu cây vô tận. Không khí ở đây thơm lừng…”
Gần hai mươi lần, tác giả nói đến “Rừng xà nu”, “đồi xà nu”,”cây xà nu”, “nhựa xà nu”, “khói xà nu”, “lửa xà nu”…điều này cho thấy xà nu là mạch hồn của tác phẩm.
Xà nu gắn bó với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thân thuộc với dân làng: lửa xà nu cháy bập bùng trong nhà ưng tập trung cả dân làng để nghe cụ Mết kể về cuộc đời Tnú. Khói xà nu đen nhẻm thân hình lũ trẻ; khói xà nu còn làm tấm bảng đen cho anh Quyết dạy Tnú và Mai học chữ cụ Hồ…
Xà Nu còn tham dự vào những sự kiện quan trọng của cuộc sống làng Xôman: ngọn đuốc xà nu cháy sáng trên tay cụ Mết dẫn cả dân làng đi vào rừng sâu lấy giáo mác chuẩn bị cho cuộc nổi dậy. Đêm đêm cả dân làng thức mài vũ khí dưới ánh đuốc xà nu bập bùng. Giặc đốt đôi bàn tay Tnú bằng giẻ tẩm nhựa xà nu và lửa xà nu chứng kiến cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man.
– Cây xà nu tượng trưng cho phẩm chất và số phận con người Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ. Thương tích mà rừng xà nu phải gánh chịu do đại bác của kẻ thù gợi nghĩ đến những mất mát đau thương mà đồng bào ta đã phải trải qua trong thời kì cách mạng miền Nam bị khủng bố khốc liệt.
Mỗi ngày giặc bắn đại bác ba lần vào làng nhưng làng Xô Man vẫn bình yên vì: “Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn”. Đổi lại, vì bảo vệ cho dân làng nên cánh rừng xà nu lại chịu nhiều đau thương mất mát: “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào là không bị thương. Có những cây bị đạn đại bác chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão”; “Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người đã bị đạn đại bác chặt đứt làm đôi, ở những cây này nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, chỉ năm mười hôm là cây chết ”.
– Trong bom đạn chiến tranh, thương tích đầy mình, cây xà nu vẫn hiên ngang vươn lên mạnh mẽ như người dân Tây Nguyên kiên cường bất khuất, không khuất phục trước kẻ thù tàn bạo, “Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Đúng như lời cụ Mết đã khẳng định: “Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên, đố chúng nó giết hết được cả rừng xà nu này”.
Vẻ đẹp nữa của cây xà nu đó là loài cây ham ánh sáng mặt trời, yêu tự do. Sự sống của nó chính là sự vươn lên để sinh tồn. Cây xà nu rất ham ánh sáng và khí trời: “nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, vô số những hạt bụi vàng bay ra từ nhựa cây thơm mỡ màng”. Đó chính là tiếng gọi của tình yêu tự do. Cũng như Tnú, như dân làng Xôman yêu tự do, khát khao ánh sáng nên họ đã cầm giáo, cầm gươm quyết tâm bảo vệ vùng trời tự do ấy. Có thể nói, đặc tính “ham ánh sáng” của cây xà nu tượng trưng cho niềm khao khát tự do, lòng tin vào lý tưởng Cách mạng của người dân Tây Nguyên, của đồng bào miền Nam.
🌳 Có thể nói, hình tượng xà nu đã nổi bật ở nhan đề và trải dài xuyên suốt tác phẩm, câu chuyện mở ra từ vẻ đẹp mãnh liệt của sự sống trong cây xà nu sẽ luôn còn mãi. Với thủ pháp nghệ thuật so sánh, đối chiếu, ngôn ngữ sử thi hào hùng, thủ pháp nhân cách hóa … đã tạo nên sự chuyển hóa, hòa hợp giữa hình tượng thiên nhiên và con người, tạo nên một bản hợp xướng đầy chất thơ hào hùng tráng lệ về sức sống bất diệt, về cuộc chiến đấu bất khuất kiên trung của người Tây Nguyên.

Tổng hợp và phân tích: Thưởng Thức Sách 
Mời các cậu "FOLLOW ME" trên Fanpagehttps://www.facebook.com/thuongthucsach/

#Ý nghĩa nhan đề tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
#Cảm nhận về nhan đề Rừng xà nu
#Ý nghĩa nhan đề và hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
#Cây xà nu và ý nghĩa biểu tượng của loài cây này
#Phân tích ý nghĩa nhan đề trong truyện ngắn Rừng xà nu
#Cây xà nu là cây gì?
#Đồi xà nu
#Đồi thông ba lá